Tôi và Jessia dành một buổi sáng để đi chợ địa phương để mua vài thứ trái cây trước khi tiếp tục hành trình trong ngày. Tại đây, họ bán rất nhiều các loại rau củ nhiệt đới như ở Việt Nam, tuy nhiên, trái cây thường rất nhỏ vì nền nông nghiệp không phát triển và thường là trái cây nhà hái ra bán. Ngoài ra, gia vị là những thứ tôi và Jessica quan tâm nhiều nhất. Chúng tôi lần đầu thấy lá Cà Ri bán ở chợ, Cà ri là món ăn chính của họ hàng ngày, bất kể món gì cũng có thể liên quan đến lá cà ri, thậm chí có mấy loại lá cà ri.
Jessica dừng lại chỗ bán gia vị để mua về một ít thứ làm kỷ niệm. Người bán hàng trộn các loại gia vị lại cho Jessica và bán với giá 100 rupee. Jess rất vui mừng bởi cô là người rất thích các loại gia vị tự làm.
Vì khí hậu nóng nực nên tôi và Jess luôn muốn có trái cây để ăn, nhưng trái cây lại rất ít nước nên cuối cùng tôi mua cà chua bi và ăn như trái cây.
Trước khi lên đường đi thăm nhà một gia đình người Sri Lanka cách đó một tiếng đi xe bus, tôi và Jess đi tìm món ăn nhẹ. Một món ăn rất truyền thống khác của Sri Lanka đó là bánh “Hoppa” theo cách gọi của người địa phương. Bánh được làm bằng bột gạo khiến bạn liên tưởng đến bánh xèo hay bánh căn ở Nha Trang. Họ đổ bánh vào một cái nồi chứ không phải chảo, lắc đều cho bánh thành hình vòng cung đến khi chín đều và sau đó đập vào một trái trứng. Rất đơn giản vậy thôi. Tôi ước gì họ bỏ một chút hành mỡ hay gia vị gì đó để tôi đỡ nhớ món bánh xèo. Nhưng không, họ chỉ rắc chút muối vào rồi ăn. Còn tôi, tôi không ăn trứng, nên chỉ ăn cái bánh không cho đỡ ngán. Jess thì quá chán ngán, nó nói bánh gì mà đơn giản quá. Nhưng cuối cùng thì cũng được thử món bánh Hoppa nổi tiếng nhất xứ này. Và cũng bởi chúng tôi đang tránh tất cả những gì liên quan đến cà ri. Bạn không thể ăn cà ri liên tiếp 3 tuần được, hay ít nhất là với tôi và Jess.